Fotoget blogspot homepage

Bài 5: Đồ thị nến - Candlestick chart.

Các bài học (technical enalysis) phân tích kỹ thuật cổ phiếu:
Bài 4: Lý thuyết sóng Elliot
Bài 6: Fibonacci Retracement

Trong phần này bạn sẽ có các câu trả lời như: Đồ thị nến hay đồ thị dạng nến là gì? Thân nến và dây nến ra sao? Dùng đồ thị nến như thế nào?


Cái đồ thị bên trên là đồ thị nến của cổ phiếu MBB - Ngân hàng cổ phần quân đội được niêm yết trên sàn Thành Phố Hồ Chí Minh gọi tắt là HOSE hoặc HSX. Đây là dạng đồ thị ngày, tức là mỗi cây nến trên hình là tượng trưng cho giá của một ngày. Đồ thị trên thể hiện 3 tháng tức mỗi tuần có 5 ngày giao dịch là 5 cây nến. Mỗi tháng tương đương 20 cây nến. 3 tháng tương đương 60 cây nến nếu không có nghỉ lễ và tết. Tôi sẽ giúp các bạn đi tìm hiểu thế nào là đồ thị nến (candlestick chart)


Thuật ngữ phân tích kỹ thuật của đồ thị nến Nhật:
candlestick: nến hay còn gọi là nến Nhật
body: thân nến
wick hoặc shadow: dây nến (một số tài liệu gọi là bóng nến)
upper wick: dây nến trên
lower wick: dây nến dưới



Vì chúng ta đang khảo sát đồ thị nến ngày (daily candlestick chart) nên mỗi cây nến bên trên là đúc kết giá của một ngày giao dịch trên sàn của cổ phiếu đó.

Thân nến là cái phần thân màu xanh hoặc màu đỏ. Nếu thân nến màu xanh khi giá đóng cửa tăng so với giá mở cửa. Thân nến màu đỏ khi giá đóng cửa giảm so với giá mở cửa. Giá mở cửa và đóng cửa càng chênh lệch thì thân nến màu xanh hoặc đỏ càng dài. Nếu giá mở cửa và đóng cửa gần bằng nhau thì thân nến sẽ ngắn hoặc không có nếu giá đóng cửa và mở cửa bằng nhau. Trên hình 2 cây nến cuối có giá đóng cửa và mở cửa bằng nhau, nên không thấy phần thân nến.

Giá mở cửa là giá đợt giao dịch ATO
Giá đóng cửa là giá đợt giao dịch ATC

Dây nến là phần sợi dây màu đen nằm trên và dưới thân nến. Điểm cao nhất của dây nến trên là giá cao nhất trong ngày. Điểm thấp nhất của dây nến dưới là giá thấp nhất trong ngày.

Nhìn lên hình, nhìn cây nến có thân nến màu đỏ bên tay phải ta sẽ nhìn thấy:
Cây nến màu đỏ nên giá đóng cửa thấp hơn giá mở cửa, do đó phần cao nhất của thân nến là giá mở cửa 15.8 và phần thấp nhất của thân nến là giá đóng cửa 15.5. Phần dây nến trên có giá cao nhất là giá 15.9, đây là giá khớp cao nhất trong ngày hôm đó. Phần dây nến dưới có giá thấp nhất là giá 15.4 nên 15.4 là giá khớp thấp nhất trong ngày.

Vậy nhìn một cây nến chúng ta có thể nhìn thấy sơ lược được giá đã được khớp thế nào trong một ngày.

Đồ thị đường giá (Line chart) thường chỉ thể hiện giá đóng cửa trong khi đồ thị nến sẽ cho biết nhiều thông tin hơn nên đồ thị nến được sử dụng phổ biến để phân tích kỹ thuật chứng khoán hơn. Chúng ta hãy dần làm quen với dạng đồ thị nến để việc phân tích thuận lợi hơn sau này.

Nếu dùng đồ thị nến chúng ta có thể nhìn thấy được đỉnh và đáy nhanh hơn so với các dạng đồ thị khác. Mời bạn đọc bài các mô hình nến báo đỉnhcác mô hình nến báo đáy.

Tóm lại, Đồ thị nến này là một bài cơ bản và quan trọng không thể thiếu. Các bạn cố gắng nắm vững bài học này nhé để tạo nền tảng cho các bài học sau.