Fotoget blogspot homepage

Bài 3: Lý thuyết Dow là gì?

Các bài học (technical enalysis) phân tích kỹ thuật cổ phiếu:
Bài 2: Phân tích kỹ thuật
Bài 4: Lý thuyết sóng Elliot là gì?

Lý thuyết Dow là một lý thuyết rất cơ bản, tuy thế nó không đơn giản để một nhà đầu tư mới có thể hiểu hết được. Ở đây mình sẽ nói trên phương diện dễ hiểu và gần như đầy đủ về lý thuyết Dow.

Lý thuyết Dow là một lý thuyết cơ bản, những lý thuyết khác sau này cũng dựa trên nền tảng của lý thuyết này mà phát triển. Trường phái phân tích kỹ thuật cũng thừa kế và phát triển trên nền tảng của lý thuyết Dow, làm cho lý thuyết này thêm vững chắc, đơn giản hơn và dễ hiểu hơn và thực tế hơn bằng đồ thị.


Chúng ta bắt đầu đi vào lý thuyết Dow. Lý thuyết Dow đưa ra một số giả thuyết và sau đó phát triển từ nền tảng các giả thuyết này. Điều đầu tiên chúng ta cần làm là phải thừa nhận một số giả thuyết sau đây hoàn toàn đúng. Trên khía cạnh của Tuyethoaphanus, người viết bài này khuyên bạn đừng thắc mắc hãy thừa nhận những giả thuyết này là đúng. Nếu bạn có chút nghi ngờ bất cứ lúc nào thì xem như dừng lại tại đấy và đừng đọc thêm hay học sâu về trường phái Phân Tích Kỹ Thuật làm gì, vì trường phái này phát triển dựa trên những giả thuyết này mà thôi.

GIẢ THUYẾT:
1. Không ai có thể thao túng xu hướng chính của thị trường.
Một khi xu hướng chính đã được thiết lập thì chẳng ai có thể thay đổi được xu hướng này cho đến khi thị trường tự chuyển xu hướng chính của nó theo hướng ngược lại.
Giả sử như xu hướng tăng của thị trường đã được xác lập là sẽ tăng liên tục. Những ai thao túng giá cả thì chỉ có thể làm giá giảm trong một thời gian ngắn rồi nó lại tiếp tục đi trở lại xu hướng chính của thị trường là xu hướng tăng. Việc bẻ gãy xu hướng chính là điều thật khó khăn và có lẽ chẳng ai muốn làm điều đó để gánh lấy thiệt hại. Những kẻ thao túng giá chỉ thao túng giá trong thời gian ngắn để đạt được mục đích rồi thị trường lại quay về bản chất vỗn dĩ của nó.
Thị trường cứ đi theo xu hướng chính cho đến khi nó rã rời mỏi mệt với cái xu hướng đó tự nó sẽ đổi chiều để đi theo xu hướng khác. Tôi có thể bảo vệ tiếp tục giả thuyết 1 này nhưng tôi không muốn làm rối các bạn mới bước vào tìm hiểu trường phái Phân Tích Kỹ Thuật nữa. Nên tôi và những người viết bài trên trang fotoget.blogspot.com mong các bạn cứ chấp nhận nó hoàn toàn đúng để chúng ta đi tiếp một cách đơn giản và dễ dàng nhất. Bởi vì nếu có một bàn tay thao túng được thì chúng ta đi phân tích nọ kia và dự đoán để làm gì nữa. Hãy hỏi kẻ thao túng đó để có kết quả dự đoán chuẩn xác nhất.
2. Mọi thứ đều được phản ánh vào giá cả
Thị trường phản ánh được mọi thông tin. Mọi thứ đều phản ánh vào thị trường thông qua giá cả. Giá cả là con số chung phản ánh được sự kỳ vọng, sự sợ hãi và mong chờ của tất cả những đối tượng tham gia thị trường. Tất cả mọi thứ sẽ phản ánh lên giá cả. Thay đổi lãi suất, tăng trưởng hay sụt giảm doanh thu lợi nhuận, bầu cử tổng thống... có thể thay đổi được giá cả và ảnh hưởng được lên giá cả nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Còn xu hướng chính của giá cả vẫn chẳng thể bị ảnh hưởng. Ví dụ: xu hướng chính là tăng, nếu có thông tin xấu đột ngột xuất hiện thì giá cả sẽ giảm để phản ứng thông tin xấu đó, sau đó thị trường lại trở về với xu hướng chính là tăng và sẽ vượt lên khỏi giá mà khi thông tin xấu đó xuất hiện.
Có khi thông tin tốt lại không thể làm giá cổ phiếu tăng được bởi vì giá đã tăng trước rồi. Ví dụ: cổ phiếu A tăng giá từ 10,000 lên 20,000 sau đó thông tin tốt xuất hiện, giá cổ phiếu cũng không thể tăng thêm được nữa vì thật tế thông tin tốt đó đã phản ảnh lên giá trước đó làm giá tăng từ 10,000 lên 20,000. Và nếu tăng hơn 20,000 thì tăng quá mức mà thông tin tốt đó có thể phản ánh được. Như vậy, đôi khi thị trường lại phản ứng trước khi thông tin xuất hiện nên khi thông tin xuất hiện cũng không thay đổi được gì.
Cũng tương tự như thế khi xu hướng chính đã trở nên mệt mỏi và muốn đổi xu hướng chính theo hướng ngược lại (như đổi tăng thành giảm, giảm thành tăng) thì dù có thêm bao nhiêu thông tin tốt đi chăng nữa, xu hướng chính tăng vẫn mệt mỏi và chuẩn bị bước vào xu hướng chính giảm. Hoặc dù có thêm bao nhiêu thông tin xấu đi chăng nữa, xu hướng chính giảm cũng đã giảm quá nhiều và chuẩn bị bước vào xu hướng chính tăng.
3. Lý thuyết Dow không phải công cụ hoàn hảo
Lý thuyết Dow đưa ra những nguyên lí và bản chất của thị trường và giúp bạn loại bỏ được những tâm lí cá nhân khi tham gia thị trường để có những nhận định đúng về thị trường. Tuy nhiên, khi dựa vào lý thuyết Dow bạn phải phân tích theo tiêu chí khách quan, đừng dựa trên những mong muốn của chính mình mà phân tích thì sẽ làm phân tích của bạn lệch lạc. Lúc đấy phân tích của bạn bị lệch lạc, chứ không phải là lý thuyết Dow đã đưa ra những điều không đúng. Chính vì thế mới nói lý thuyết Dow không hoàn hảo. Cũng là dựa trên lý thuyết Dow nhưng những phân tích của những người khác nhau lại có thể khác nhau.
Lý thuyết Dow chỉ giúp cho bạn có một cái nhìn ở xu hướng chính. Ở những xu hướng thứ cấp và ngắn hạn lý thuyết Dow không thể áp dụng. Vì trong xu hướng thứ cấp và xu hướng ngắn hạn giá cả thị trường có thể bị theo túng dễ dàng.
Để giải thích rõ hơn về mặt phân tích kỹ thuật ở giả thuyết 3 này Tuyethoaphanus xin nói đơn giản dễ hiểu như sau, dựa vào lý thuyết Dow chúng ta có thể nhìn nhận được dễ dàng xu hướng chính, còn xu hướng dài hạn và xu hướng trung hạn thì khó có thể nhìn ra, và nếu là xu hướng ngắn hạn thì khả năng dựa vào lý thuyết Dow mà nhìn thì dễ dàng bị sai trầm trọng. Giả thuyết 3 đưa ra điểm yếu của lý thuyết Dow để các nhà phân tích kỹ thuật biết điểm yếu của nó mà xác nhận ra xác suất phân tích đúng của mình bao giờ cũng không thể là chính xác tuyệt đối 100%. Tuy nhiên do sự mở rộng của các công cụ và lý thuyết sóng Elliott sau này, đã hạn chế được phần nào điểm yếu của lý thuyết Dow này.

Chúng ta vừa mới điểm qua 3 giả thuyết của lý thuyết Dow.

XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG:
Dow and Hamilton đưa ra 3 xu hướng giá như sau: xu hướng chính, xu hướng thứ cấp và xu hướng ngắn hạn (có người gọi là xu hướng chính, xu hướng thứ cấp và xu hướng ngày). Xu hướng chính kéo dài vài tháng đến vài năm. Xu hướng trung hạn kéo dài vài tuần đến vài tháng. Xu hướng ngắn hạn kéo dài vài giờ cho đến vài ngày hoặc một hai tuần.
Tuyethoaphanus xin kèm thêm lý thuyêt sóng Elliott để giải thích rõ hơn về xu hướng thị trường như sau, xu hướng thị trường gồm các xu hướng sau: xu hướng chính, xu hướng thứ cấp (xu hướng dài hạn, trung hạn và ngắn hạn) và xu hướng ngày (tức là những xu hướng diễn ra trong vài giờ cho đến một hai tuần, loại xu hướng này chỉ có thể nhìn trên forex nên ở thị trường chứng khoán chúng ta tạm bỏ qua). Vậy xu hướng chính sẽ bao gồm 3 hoặc 5 xu hướng dài hạn, xu hướng dài hạn sẽ bao gồm 3 hoặc 5 xu hướng trung hạn và xu hướng trung hạn sẽ bao gồm 3 hoặc 5 xu hướng ngắn hạn.


Xu hướng chính:
Xu hướng chính là những xu hướng lớn của thị trường và có thể tồn tại qua nhiều tháng hoặc nhiều năm. Những xu hướng này có khi là xu hướng tăng (bullish) có khi là xu hướng giảm (bearish). Một xu hướng một khi được thiết lập nó sẽ kéo dài cho đến khi xu hướng ngược lại được xác lập. Tức là xu hướng tăng sẽ kéo dài cho đến khi xu hướng giảm xuất hiện. Thời gian của một xu hướng thì không có một nguyên tắc bắt buộc là phải bao lâu. Có khi rất ngắn và có khi rất dài. Nên chúng ta đừng quan trọng độ tăng giảm và độ kéo dài bao lâu của một xu hướng. Vì không có nhất định xu hướng tăng phải tối đa hay tối thiểu bao lâu hoặc bao xa.

Mặc dù mọi người có thể dự đoán tương đối nhưng chính xác thì chẳng ai biết được bao giờ và khoảng nào thì xu hướng chính kết thúc. Lý thuyết Dow cho người ta biết và xác định được xu hướng chính để từ đó có phương án đầu tư hiệu quả. Cố gắng dự đoán độ tăng, độ giảm hay thời gian kéo dài của một xu hướng chỉ ở mức tương đối và chắc chắn không thể nào chính xác được. Chỉ cần xác định được xu hướng chính và tận dụng được nó thì đã là một thành công lớn.


Xu hướng thứ cấp:
Xu hướng thứ cấp là những xu hướng nằm trong lòng xu hướng chính. Trong xu hướng chính tăng sẽ có những xu hướng thứ cấp tăng và giảm nằm trong lòng nó. Trong xu hướng chính giảm sẽ có những xu hướng thứ cấp tăng và giảm nằm trong lòng nó. Điều đó có nghĩa là sẽ có những xu hướng thứ cấp ngược hướng với xu hướng chính. Để hiểu thêm điều này, chúng ta nghiên cứu thêm lý thuyết sóng Elliot sẽ nắm rất rõ điều này. Sóng Elliot cũng phát triển dựa trên lý thuyết Dow và phát triển thêm. Xu hướng thứ cấp thì khó dự đoán hơn xu hướng chính.


3 GIAI ĐOẠN CỦA XU HƯỚNG TĂNG CHÍNH VÀ 3 GIAI ĐOẠN CỦA XU HƯỚNG GIẢM CHÍNH:
Giai đoạn 1 của xu hướng tăng chính (giai đoạn tích lũy): Giai đoạn đầu của xu hướng tăng thì khó có thể nhận ra đâu là đã bắt đầu xu hướng tăng chưa hay vẫn còn ở trong xu hướng giảm trước đó. Tâm lí tiêu cực bi quan của xu hướng giảm chính vẫn tiếp tục lan và thống trị luôn ở giai đoạn bắt đầu xu hướng tăng. Đây là giai đoạn thị trường giao dịch ít ỏi, tin tức thì xấu và giá trị của cổ phiếu thường thấp kỷ lục. Tuy nhiên, giai đoạn này dòng tiền thông minh bắt đầu tích lũy cổ phiếu. Những người kiên nhẫn chấp nhận mua vào đầu tư dài hạn. Cổ phiếu thì rẻ, nhưng chẳng ai muốn sở hữu chúng. Mùa hè năm 1974 Warren Buffet từng nói đây là giai đoạn những ai mua cổ phiếu sẽ trở nên giàu có. Đa số đã nghĩ ông điên nên mới mua lúc này.
(Nhấp vào hình để xem lớn hơn)
Trong giai đoạn đầu của xu hướng tăng chính, cổ phiếu bắt đầu tìm thấy được đáy và âm thầm xác nhận đáy. Khi thị trường bắt đầu tăng, có nhiều nghi ngờ và chưa tin là thị trường đã và đang khởi động tăng. Sau khi có một đợt sóng tăng và bắt đầu giảm lại, những kẻ nghi ngờ xuất hiện và cho rằng xu hướng giảm vẫn chưa kết thúc đâu. Ngay lúc này đây sẽ có những nhà phân tích từ tốn đưa ra nhận định bước sóng giảm này chỉ là xu hướng giảm thứ cấp 2, và xu hướng tăng vừa qua là xu hướng tăng thứ cấp 1 và cho biết thị trường đã khởi động tăng xu hướng chính và cụ thể được xong 1 bước sóng tăng thứ cấp và đây là bước sóng giảm 2 thứ cấp. Nếu đây là sóng giảm 2 thứ cấp thì đáy sóng giảm 2 sẽ cao hơn đáy trước đó. Thị trường âm thầm tạo đáy sóng giảm 2 cao hơn đáy trước, và đợt sóng tăng thứ cấp 3 lại bắt đầu và sau đó vượt lên khỏi đỉnh sóng tăng thứ cấp 1, mọi người bắt đầu nhận ra đợt sóng tăng 3 này và xu hướng tăng thứ cấp bắt đầu được mọi người nhìn thấy rõ nét. Điều này cho thấy đến khi mọi người đều thừa nhận xu hướng (giảm) trước kết thúc thì thị trường đã đi xong 2 sóng thứ cấp (tăng) 1 và (giảm) 2 và đang đi được nửa đường xu hướng thứ cấp (tăng) 3. Do vậy khi mọi người nhận ra được xu hướng chính mới bắt đầu thì thị trường đã đi một quảng khá xa.
Giai đoạn 2 của xu hướng tăng chính (giai đoạn tăng mạnh): Giai đoạn 2 của giai đoạn xu hướng tăng chính thường là dài nhất, và giá tăng nhiều nhất. Giai đoạn này được đánh dấu bằng cải thiện trong các doanh nghiệp, giá chứng khoán tăng. Lợi nhuận tăng và niềm tin tràn đầy. Giai đoạn này xem như là giai đoạn dễ kiếm tiền và những người kinh doanh theo xu hướng cũng gia nhập thị trường.
Giai đoạn 3 của xu hướng tăng chính (giai đoạn tăng thái quá): Giai đoạn 3 của xu hướng tăng chính được đánh giá bằng việc tích lũy thái quá và xuất hiện áp lực lạm phát. Trong suốt giai đoạn 3 này, cả cộng đồng dường như đã tham gia cả vào thị trường, giá cả đã tăng quá mức và niềm tin vào thị trường nhiều đến mức kinh ngạc. Khi mà ngay cả bà hàng tôm hàng cá, anh nông dân cũng tư vấn nhau nghe về chứng khoán thì đỉnh xu hướng chính đã sắp sửa có rồi đấy.
Giai đoạn 1 của xu hướng giảm giá chính (giai đoạn phân phối): Giống như giai đoạn một của xu hướng tăng giá, giai đoạn một của xu hướng giảm giá thì đi ngược lại. Đây là giai đoạn phân phối. Dấu hiệu phân phối đánh dấu cho bắt đầu xu hướng giảm. Khi này, dòng tiền thông minh bắt đầu nhận ra rằng điều kiện mua bán kinh doanh bây giờ không còn dễ và thoải mái như mọi người đã nghĩ, và những dòng tiền thông minh này bắt đầu bán cổ phiếu và rút tiền ra khỏi thị trường dần. Cộng đồng và mọi người vẫn còn tham gia vào thị trường trong giai đoạn này và vẫn hồ hỡi mua vào. Ít có tin tức nào cho biết thị trường sắp sửa bước vào xu hướng giảm thật sự và điều kiện kinh doanh chung dĩ nhiên vẫn cảm thấy tốt. Tuy nhiên, giá cổ phiếu bắt đầu giảm một tí và sự giảm giá bắt đầu chính thức diễn ra.

Trong khi thị trường giảm giá, người ta vẫn chưa tin rằng xu hướng giảm giá đã bắt đầu và mọi người vẫn cho là xu hướng tăng giá chính vẫn còn. Sau khi giảm kha khá, thì có sự tăng hồi trở lại. Sự tăng hồi này nhanh và mạnh. Thật ra đây chỉ là sóng tăng thứ cấp nằm trong lòng xu hướng giảm chính. Thế mà mọi người vẫn nghĩ là xu hướng chính vẫn còn và sẽ tăng ngày mạnh mẽ hơn.  Tuy nhiên sự tăng hồi lại này vẫn không vượt qua được đỉnh cao cũ. Đỉnh hồi lần này thấp hơn và bắt đầu quay ngược lại giảm tiếp và giảm sâu hơn lần giảm trước. Lúc này mọi người mới nhận ra xu hướng giảm nhưng xu hướng giảm thật sự đã đạt đỉnh và bắt đầu giảm trước đó.
Giai đoạn 2 của xu hướng giảm giá chính (giai đoạn giảm mạnh): Giống giai đoạn 2 của xu hướng tăng giá chính, xu hướng này thì ngược lại. Giai đoạn này giá sẽ giảm mạnh và điều kiện kinh doanh cũng giảm. Lợi nhuận giảm, doanh thu giảm. Do doanh nghiệp làm ăn khó khăn hơn, cắt lổ bắt đầu xảy ra.
Giai đoạn 3 của xu hướng giảm giá chính (giai đoạn đau khổ): ở giai đoạn 3 này, tất cả mọi hy vọng đã tiêu tan và chứng khoán đã giảm rất nhiều. Giá trị bây giờ rất thấp, nhưng mọi người vẫn tiếp tục bán ra và mọi người vẫn tìm đường để bán ra và thoát khỏi thị trường cho bằng được. Tin tức thì luôn luôn xấu, nền kinh tế thì ảm đạm và chẳng tìm ra người mua. Thị trường vẫn tiếp tục giảm cho đến khi những tin xấu đã được đưa hết vào giá. Một khi cổ phiếu đã phản ảnh hết cái xấu thì giai đoạn này xem như kết thúc và chuẩn bị chờ đón xu hướng tăng chính.


CÁCH XÁC ĐỊNH XU HƯỚNG CHÍNH:
Bước đầu tiên trong việc xác định xu hướng chính là xác định các xu hướng của từng chỉ số riêng rẻ. Điều này có nghĩa là chúng ta đi xác định xu hướng chính của các chỉ số như VNindex, HNXindex, thậm chí Dow Jones, Nikkei,.... Nếu tất cả các chỉ số riêng rẻ này đều nói lên cùng một hướng xu hướng chính giống nhau thì xu hướng chính đúng là như thế. Nếu tất cả đều cho thấy xu hướng chính đổi chiều, thì xu hướng chính thật sự đã đổi chiều. Chúng ta dùng đỉnh và đáy để phân tích tìm ra xu hướng chính cho từng chỉ số riêng rẻ. Nếu chỉ 1 xu hướng chính XYZ báo đảo chiều thì có thể xu hướng chính trước vẫn còn giữ vững và XYZ sẽ sớm quay trở lại xu hướng chính. Hoặc xu hướng XYZ báo đảo chiều sớm và đợi các xu hướng của các chỉ số khác cũng khẳng định đảo chiều thì lúc này mới thật sự đảo chiều xu hướng trên tất cả các chỉ số thị trường. Xu hướng chính tăng thì các đỉnh và đáy sau cao hơn đỉnh và đáy trước. Xu hướng chính giảm thì các đỉnh và đáy sau thấp hơn đỉnh và đáy trước.
Một khi xu hướng đã được xác định, nó sẽ giữ vững cho đến khi xu hướng ngược lại được xác định. Một xu hướng chính giảm vẫn được giữ vững là xu hướng chính giảm cho đến khi xu hướng chính tăng được xác lập. Cách xác định xu hướng chính tăng giảm mời các bạn xem hình bên dưới.
CÁC CHỈ SỐ THỊ TRƯỜNG PHẢI ĐỒNG ĐIỆU:
Các chỉ số thị trường phải đồng điệu với nhau thì mới xác nhận được xu hướng. Ví dụ như VNIndex xác nhận xu hướng chính chuyển từ giảm sang tăng. Nhưng xu hướng chính HNXIndex vẫn chưa chuyển từ giảm sang tăng thì xem như xu hướng chính của VNIndex vẫn ở xu hướng chính là giảm. Dựa vào sự đồng điệu, chúng ta biết được đâu là xu hướng chính đã được đổi hay vẫn còn ở xu hướng cũ.

Fotoget.blogspot.com xin chỉ ra ví dụ rất cụ thể. Theo lý thuyết Dow thì sẽ thấy VNIndex và HNX luôn đồng điệu, cùng lên, cùng giảm, cùng kết thúc sóng, cùng bắt đầu sóng mới ở các con sóng chính. Đôi khi cũng có sự lệch về thời gian bắt đầu và kết thúc sóng ở những con sóng thứ cấp như sóng dài hạn, trung hạn và ngắn hạn. Thường VNIndex sẽ đi sớm hơn HNX-Index một tí. Nếu cả hai cùng đồng điệu, thì có thể khẳng định việc bắt đầu và kết thúc xu hướng. Mở rộng ra thì VNindex và HNX-Index phải cùng xu hướng chính với các chỉ số trung bình của các thị trường khác trên thế giới. Cùng xu hướng chính, và ở các xu hướng thứ cấp như ở các bước sóng dài hạn, trung hạn và ngắn hạn có thể có chút lệch pha trong một mức độ nào đó. Chính vì thế việc phân tích các sóng của các thị trường khác trên thế giới cũng như việc so giữa VNindex, HNX-index cũng như VN30 sẽ đưa ta một cái nhìn tổng quát để từ đó đi đến phân tích chi tiết dễ dàng hơn.

KHỐI LƯỢNG:
Ở xu hướng chính tăng: Khối lượng sẽ tăng khi giá tăng theo xu hướng chính. Trong thị trường tăng, khối lượng giao dịch sẽ ngày một nhiều hơn, và sẽ bị giảm lại vào giai đoạn điều chỉnh. Trong giai đoạn điều chỉnh của xu hướng chính tăng thì khối lượng sẽ giảm và người tham gia thị trường cũng giảm. Trong giai đoạn điều chỉnh thì thị trường cũng mờ mịt và ảm đạm.

Ở xu hướng chính giảm: Mỗi khi thị trường hồi lại thì khối lượng thường giảm. Khi thị trường lại tiếp tục giảm thì khối lượng tăng trở lại. Khi thị trường hồi lại thì người tham gia thị trường cũng ít lại.
Bằng việc nhìn khối lượng, chúng ta có thể đoán biết được xu hướng chính.

Mình đưa ra một ví dụ về trường hợp khối lượng, ở đây không phải là xu hướng chính giảm mà chỉ là xu hướng trung hạn giảm nhưng vấn đề khối lượng cũng nói lên được ở đây. Khi thị trường giảm khối lượng lại tăng, khi thị trường tăng khối lượng lại giảm, điều này báo hiệu nguy cơ đảo chiều sang giảm hoặc đang trong xu hướng giảm. Tham khảo bài ví dụ về phân tích khối lượng VNindex báo hiệu bước vào xu hướng giảm và tiếp tục giảm.


ĐƯỜNG PHẠM VI MUA BÁN:
Có những đường ngang hình thành nên phạm vi mua bán. Trong phạm vi mua bán này cho thấy các chỉ số đi sideways (đi ngang) trong một khoảng thời gian nhất định. Và khi đấy chúng ta có thể vẽ ra được những đường ngang đó bằng cách nối các đỉnh và các đáy. Những phạm vi mua bán như thế không cho biết rõ ràng là tích lũy hay phân phối, nhưng đến khi giá thật sự vượt lên hoặc vượt xuống khỏi phạm vi mua bán. Nếu vượt lên, thì phạm vi mua bán đó là tích lũy. Nếu vượt xuống thì phạm vi mua bán đó là phân phối. Trong vùng phạm vi mua bán thì không thể nhận định được tích cực hay tiêu cực cho đến khi phá vỡ để vượt khỏi phạm vi mua bán đó.


Tóm lại, những điểm đưa ra ở trên là những giả thuyết và những cơ sở lý thuyết của lý thuyết Dow.