Fotoget blogspot homepage

Bài 1: Phân tích cơ bản là gì?

Các bài học (technical enalysis) phân tích kỹ thuật cổ phiếu:
Bài 2: Phân tích kỹ thuật
Bài 3: Lý thuyết Dow là gì?

Phân tích cơ bản (Fundamental analysis hay còn gọi là FA) là việc xem xét những tác động đến nền kinh tế, các nhóm ngành và các công ty. Mục đích của việc phân tích cơ bản là nhằm để có được dự báo xu hướng giá cả của cổ phiếu hoặc hàng hóa trong tương lai. Ở cấp độ công ty, phân tích cơ bản là xem xét các báo cáo tài chính, sự quản lý, kế hoạch kinh doanh và sự cạnh tranh của công ty đó. Ở cấp độ ngành, đó là sự xem xét lực cung và cầu của các sản phẩm của ngành công nghiệp đó. Ở cấp độ nền kinh tế, phân tích cơ bản sẽ tập trung vào các dữ liệu trong nước và ngoài nước để đánh giá sự phát triển của nền kinh tế ở hiện tại và tương lai.

Để dự đoán giá cổ phiếu ở tương lai, phân tích kỹ thuật kết hợp xem xét nền kinh tế, ngành và cả doanh nghiệp để xác định giá trị đúng của cổ phiếu và dự đoán được giá tương lai. Nếu giá trị đúng của cổ phiếu khác giá hiện tại của cổ phiếu thì nhà phân tích cơ bản cho rằng giá cổ phiếu đang bị thấp hoặc đang bị cao so với giá trị thực. Giá thị trường sẽ dần bị điều chỉnh về đúng giá trị thật. Nhà phân tích cơ bản không quá chú tâm vào những lời khuyên hay đe dọa của những người khác, họ tin rằng thị trường chưa phản ánh đúng giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp. Họ tin rằng thị giá cổ phiếu chưa phản ánh được hết thông tin và thị giá chưa phản ánh đúng giá trị thực. Nhà đầu tư cơ bản từ đó sẽ tận dụng sự chênh lệch giữa thị giá và giá trị thực để quyết định mua bán.

Các bước phân tích cơ bản:
Phân tích cơ bản cũng chẳng có các bước rõ ràng nào. Tuy nhiên fotoget.blogspot.com đưa ra một cách phân tích cơ bản như sau. Cách phân tích này sẽ đi từ tổng quát đến chi tiết. Đầu tiền chúng ta sẽ phân tích nền kinh tế chung trước, sau đó chúng ta đi đến phân tích từng nhóm ngành và so sánh các nhóm ngành này với nhau để biết được nhóm ngành thuận lợi để đầu tư, sau đó chúng ta phân tích đến các công ty trong nhóm ngành đã chọn và so sánh các công ty trong cùng nhóm ngành. Lưu ý: chúng ta không so sánh công ty ngành này với công ty ngành khác. Ví dụ: chúng ta không so sánh ngân hàng thương mại cổ phần quân đội MBB với công ty đầu tư hạ tầng kỹ thuật CII vì 2 công ty này khác ngành với nhau.
1. Phân tích nền kinh tế:
Đây là bước phân tích đầu tiên trong phân tích cơ bản. Nền kinh tế giống như là đại dương, sóng và thủy triều và những nhóm ngành và doanh nghiệp thì như những chiếc thuyền. Khi nền kinh tế mở rộng, các nhóm ngành và doanh nghiệp gặp thuận lợi và phát triển. Khi nền kinh tế đi xuống, hầu hết các lĩnh vực và doanh nghiệp đều phải chịu đựng sự khó khăn. Nhiều nhà kinh tế học đánh giá sự đi lên và đi xuống của nền kinh tế thông qua lãi suất. Lãi suất được xem như là chỉ số dẫn đầu của thị trường chứng khoán. Mặc dù không hoàn toàn đúng, nhưng mối tương quan giữa giá cổ phiếu và lãi suất cũng không nên bỏ qua. Một khi nền kinh tế chung đang mở rộng và phát triển, các nhà đầu tư cũng nhìn sâu vào nền kinh tế để phân ra các nhóm ngành khác nhau để tiếp tục đào sâu nghiên cứu. Một khi nền kinh tế eo hẹp và khó phát triển thì thị trường cổ phiếu thường hay giảm giá rất nhanh và mạnh nên chúng ta có thể hạn chế đầu tư vào nền kinh tế.
2. Lựa chọn nhóm ngành
Nếu phân tích ở trên thấy nền kinh tế phát triển, thì trong sự phát triển này thì sẽ có một số nhóm ngành phát triển hơn những nhóm ngành còn lại. Nhà đầu tư có thể lựa chọn nhóm ngành để đầu tư ví dụ như: tài chính, vận tải, công nghệ thông tin, nguyên liệu cơ bản, năng lượng, công nghiệp
Nếu phân tích ở trên thấy nền kinh tế đang co hẹp, thì trong sự co hẹp này thì sẽ có một số ngành giữ được doanh thu ổn định như là: hàng tiêu dùng thiết yếu, kim loại quý, y tế và tiện ích.
Để đánh giá nhóm ngành tiềm năng, nhà đầu tư cần phải xem xét tốc độ phá triẻn chung, độ lớn thị trường và sự quan trọng của nhóm ngành đối với nền kinh tế. Mặc dù doanh nghiệp cũng quan trọng nhưng các nhóm ngành lại ảnh hưởng lớn hơn đến giá cổ phiếu. Khi có sóng, thì giá cổ phiếu sẽ tăng giảm theo nhóm ngành; chỉ một số ít doanh nghiệp tăng giảm không theo nhóm ngành. Do đó đầu tư đúng nhóm ngành thì thường sẽ có nhiều lợi nhuận hơn là đầu tư đúng công ty tốt ở ngành khác.
3. Lựa chọn doanh nghiệp
Một khi nhóm ngành được chọn, nhà đầu tư cũng cần phải giới hạn danh sách để lựa ra một hoặc vài công ty trong nhóm ngành đó trước khi đi phân tích sâu hơn. Nhà đầu tư thường quan tâm đến những công ty đầu ngành và và những công ty có những cải tiến tốt. Có thể nhà đầu tư sẽ quan tâm những vấn đề sau: doanh nghiệp đó chiếm thị phần bao nhiêu trên thị trường? Sản phẩm của doanh nghiệp đó trên thị phần thế nào? Điểm mạnh trong cạnh tranh của doanh nghiệp đó là gì? Ai là người lãnh đạo doanh nghiệp đó? Doanh nghiệp đó sẽ vượt lên các doanh nghiệp khác như thế nào? Sự phân tích kỹ và so sánh các công ty trong nhóm ngành giúp xác định được cổ phiếu của công ty tốt mà chúng ta có thể sẽ đầu tư.
4. Phân tích doanh nghiệp
Với một danh sách vài công ty, nhà đầu tư bắt đầu có thể phân tích kỹ từng công ty. Việc phân tích sẽ chú trọng vào những điểm sau:
4a. Kế hoạch kinh doanh:
Kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp có khả quan và khả thi hay không? Có thị trường để triển khai kế hoạch hay không? Có thể có lợi nhuận hay không? Kế hoạch kinh doanh có được định hướng rõ ràng hay không? Công ty có phải là công ty đầu ngành hay không? Công ty vẫn tiếp tục là công ty đầu ngành chứ?
4b. Phân tích đội ngũ quản lý
Để tiến hành kế hoạch kinh doanh, doanh nghiệp phải có đội ngũ quản lý tốt. Những nhà đầu tư có thể xem xét sự quản lý dể đánh giá khả năng lãnh đạo của họ. Một kế hoạch kinh doanh tốt nhưng vào tay đội ngũ quản lý dở thì cũng không thể thành công được. Nhà đầu tư có thể đưa ra những câu hỏi như: Đội ngũ quản lý có sắc bén không? Họ có thành tích gì chưa? Họ đã làm việc với nhau lâu chưa? Đội ngũ quản lý có đưa ra những hứa hẹn khả thi không? Nếu đội ngũ quản lý có vấn đề, tốt nhất không nên đầu tư vào công ty đó.
4c. Phân tích báo cáo tài chính của công ty đó
Cuối cùng phân tích doanh nghiệp thông qua báo cáo tài chính của doanh nghiệp đó. Chúng ta cũng có thể sử dụng một vài chỉ số để phân tích báo cáo tài chính. Các chỉ số phân tích mà chúng ta có thể quan tâm: EPS, P/E, ROE, ROA, P/B,...

Đến bước này thì các nhà đầu tư đã có khá nhiều thông tin và kết hợp các thông tin đó và đưa ra quyết định đâu là nơi mình sẽ đầu tư tài sản vào.

Điểm điểm yếu của phân tích cơ bản:
1. Mất nhiều thời gian
Phân tích cơ bản có thể giúp bạn nhìn kĩ về một doanh nghiệp nhưng phân tích cơ bản mất quá nhiều thời gian mới có thể nhìn hết được giá trị của doanh nghiệp.
2. Không đưa ra được giá mua tốt nhất ở một thời điểm nhất định
Phân tích cơ bản không nhìn thấy rõ được đường đi của giá cả trong thời gian ngắn hạn, nên không thể đoán được giá tốt để mua hoặc bán. Điều này phân tích kỹ thuật có thể làm tốt hơn nhiều.
3. Phân tích cơ bản đòi hỏi nhà đầu tư phải đầu tư lâu dài, không thể đầu tư ngắn hạn bằng phương pháp phân tích cơ bản.
4. Phân tích cơ bản thường dự đoán một giá trị thật nào đó của công ty để từ đó biết thị giá hiện nay của công ty là đắt hay rẻ mà mua bán. Mà giá trị thật cũng không thật sự là một giá nhất định. Mỗi nhà đầu tư cơ bản lại có cái nhìn về giá trị thật của doanh nghiệp cũng thật khác nhau.