Fotoget blogspot homepage

Bài 8: RSI là gì?

Các bài học (technical enalysis) phân tích kỹ thuật cổ phiếu:
Bài 7: Fibonacci Expansion
Bài 9: Chỉ số MACD

RSI (Relative Strength Index) được gọi là chỉ số tương đối. Tác giả chỉ số này là J. Welles Wilder. Chỉ số RSI đo lường tốc độ và sự thay đổi trong xu hướng giá. RSI có giá trị từ 0 đến 100. Nếu chỉ số vượt trên 70 thì gọi là Quá mua. Nếu chỉ số xuống thấp hơn 30 thì gọi là quá bán. Chỉ số này cũng hữu ích khi tìm thấy sự phân kỳ, khi chỉ số vượt qua đường trung bình, khi tạo đáy hoặc đỉnh. RSI cũng có thể được dùng để đánh giá xu hướng. Nhìn chung, đây là một chỉ số rất quan trọng và rất phổ biến thường được mọi người sử dụng trong phân tích kỹ thuật để nhận định dự báo thị trường, giá cả hàng hóa và cổ phiếu.


Cách tính RSI theo công thức:
RSI=100-[100/(1+RS)]
RS= tổng tăng/tổng giảm hoặc RS=trung bình tăng/trung bình giảm
RSI thường được tính dựa vào 14 ngày gần nhất và dùng giá đóng cửa để tính

Đó là công thức tính RSI, RSI chỉ tính được khi có dữ liệu từ 14 ngày trở lên. Ở đây fotoget.blogspot.com không đưa ra ví dụ cụ thể về cách tính vì điều này thật sự không cần thiết. Các phần mềm phân tích chứng khoán cũng như các trang web cung cấp đồ thị chứng khoán đều có sẳn dữ liệu này, tất cả đều được tính sẳn và vẽ ra trên đồ thị, chúng ta chỉ việc phân tích thôi. Nên đó là lý do bài viết này không đi sâu vào phần tính toán này.

Tín hiệu quá mua và quá bán
RSI khi cao hơn 70 là một tín hiệu quá mua. RSI khi dưới 30 là tín hiệu quá bán.

Khi tín hiệu quá mua xuất hiện chúng ta phải cẩn trọng vì có thể thị trường đang hưng phấn mua thái quá, và thị trường có thể sẽ phản ứng lại với sự hưng phấn này bằng việc đảo chiều để giảm xuống. Chỉ là có thể thôi, chứ không phải tín hiệu đảo chiều. Tức là tín hiệu quá mua có thể dẫn đến nguy cơ đảo chiều. Chỉ là nguy cơ thôi, chứ không xem tín hiệu quá mua là tín hiệu đảo chiều. Trong nhiều trường hợp tín hiệu quá mua không hề xảy ra đảo chiều. Hãy xem tín hiệu quá mua là điều chúng ta cần để tâm lưu ý và đừng xem thường.

Trên đồ thị chúng ta thấy 1,2 và 3 là các trường hợp RSI bước vào vùng quá mua. Ở trường hợp 2 và 3 thì RSI bước vào vùng quá mua và tiếp theo sau đó thị trường phản ứng đảo chiều. Nhưng ở trường hợp 1, RSI bước vào vùng quá mua nhưng giá vẫn tiếp tục tăng và không đảo chiều. Để biết được quá mua nào sẽ dẫn đến đảo chiều, quá mua nào không dẫn đến đảo chiều thì chúng ta kết hợp thêm các công cụ khác.

Tuy nhiên, chúng ta đừng hiểu rằng tín hiệu quá mua xuất hiện là chúng ta đang ở vùng đỉnh. Đây chỉ là một sự cảnh báo thị trường đang hưng phấn và chúng ta cần theo dõi sự hưng phấn này để kiềm sự hưng phấn của chính chúng ta lại, đừng đua mua giá cao nữa, chờ giá giảm lại thì mua vào để được giá rẻ và an toàn hơn. Khi RSI tăng vào vùng quá mua hoặc trụ lâu ở vùng quá mua thì giá vẫn có thể tăng tiếp đỉnh sau cao hơn đỉnh trước. Chúng ta cần lưu tâm và theo dõi thêm các chỉ báo khác để biết được giá sẽ có còn tăng tiếp lên đỉnh cao mới hay không. Ví dụ như ở hình bên trên, vùng quá mua 1 rất lớn và kéo dài khá lâu và liên tục tạo đỉnh cao mới. Trong trường hợp này vùng quá mua 1 chẳng những không dẫn theo đảo chiều mà còn liên tục tạo nhiều đỉnh cao mới. Trong trường hợp này có thể chỉ có RSI là có tín hiệu quá mua, các tín hiệu khác ở các công cụ khác vẫn an toàn nên chúng ta có thể bỏ qua tín hiệu quá mua không được công cụ khác xác nhận này.

Ngược lại với tín hiệu quá mua, khi tín hiệu quá bán xuất hiện chúng ta cũng có thể lưu tâm vì có thể thị trường đang hưng phấn bán thái quá, và thị trường có thể sẽ phản ứng lại với việc bán thái quá này bằng việc ngừng giảm, đảo chiều và tăng trở lại. Chỉ là có thể đảo chiều tăng trở lại thôi, chứ không phải là tín hiệu đảo chiều. Đây là tín hiệu quá bán thôi.
Chúng ta đừng hiểu rằng quá mua xuất hiện là chúng ta đang ở vùng đáy. Đấy chỉ là một sự cảnh báo thị trường đang bi quan và bán thái quá. Mọi người nên kiềm chế tâm lí bi quan lại vì giá có thể sẽ hồi lại tăng chút đỉnh. Khi RSI giảm vào vùng quá bán hoặc trụ lâu ở vùng quá bán này thì giá vẫn có thể sẽ giảm tiếp đáy sau thấp hơn đáy trước. Chúng ta cần lưu tâm và theo dõi thêm các chỉ báo khác để xem đây có thể là đáy chưa hay sẽ hồi nhẹ rồi tiếp tục giảm sâu hơn.


Trên đồ thị, tín hiệu quá bán 4, 5 và 6 có dẫn đến sự đảo chiều và giá cả tăng trở lại. Nhưng ở tín hiệu quá bán 7 thì không có sự đảo chiều tăng trở lại mà lại còn tiếp tục giảm sâu hơn. Do đó tín hiệu quá bán chỉ là một sự lưu ý tìm hiểu thêm các chỉ số khác ở các công cụ khác có đồng tình đảo chiều giá tăng lại hay không.

Tóm lại, khi RSI phát tín hiệu quá mua và tín hiệu quá bán thì RSI cảnh báo mọi người đang quá hưng phấn mua hoặc đang bi quan bán nhiều quá; đây là lúc cần dừng lại để đánh giá lại xem chúng ta có vào vùng đỉnh hoặc đáy hay chưa kẻo mua ở vùng đỉnh và bán ra ở vùng đáy.


Tín hiệu phân kỳ của RSI:
Khi RSI phát tín hiệu phân kỳ thì nhiều khả năng đảo chiều sẽ xảy ra. Lưu ý đây là tín hiệu phân kỳ có nguy cơ đảo chiều, không phải là tín hiệu đảo chiều.

Phân kỳ đảo chiều để giảm tức là giá tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước nhưng RSI đỉnh sau lại thấp hơn đỉnh trước, đây là tín hiệu phân kỳ có nguy cơ đảo chiều. Chúng ta tham khảo thêm các công cụ khác để xác nhận mức độ nguy hiểm của tín hiệu này.


Phân kỳ đảo chiều để tăng tức là giá tạo đáy sau thấp hơn đáy trước nhưng RSI đáy sau lại cao hơn đáy trước, đây là tín hiệu phân kỳ có nguy cơ đảo chiều. Chúng ta tham khảo thêm các công cụ khác để xác nhận mức độ khả năng đảo chiều của tín hiệu này.

Tín hiệu đổi xu hướng:
Khi RSI giảm từ trên vượt qua thấp hơn 50 thì chúng ta có thể lưu ý rằng xu hướng tăng có thể đã đổi hoặc sắp đổi thành xu hướng giảm. Chúng ta nên cẩn trọng tránh mua vào thêm nữa và cần kết hợp với các công cụ khác để xác nhận có phải là đảo chiều thành xu hướng giảm chưa.
Khi RSI tăng từ dưới vượt qua cao hơn 50 thì chúng ta có thể nghi ngờ rằng xu hướng giảm có thể đã kết thúc và chúng ta đang ở xu hướng tăng. Chúng ta xem xét thêm các công cụ khác xem có phải chúng ta đã hay sắp bước vào xu hướng tăng chưa.
Khi RSI loanh quanh vùng 50 thì giá đang ở xu hướng đi ngang hay còn gọi là sideways.

Đỉnh RSI và đáy RSI
Khi RSI tạo đỉnh hoặc tạo đáy trên đồ thị RSI thì đây là tín hiệu đảo chiều trên đường giá, đây cũng là tín hiệu đỉnh hoặc đáy của đường giá. Chúng ta có thể lưu ý đỉnh đáy của RSI trên đồ thị

Tóm lại, RSI là công cụ rất phổ biến và được nhiều người dùng hơn các công cụ khác vì RSI nói lên được nhiều điều về tình hình hiện tại của đồ thị. Nhưng dự báo do RSI đưa ra cần được các tín hiệu khác đồng xác nhận thì mới có thể vững chắc. Nếu không được các tín hiệu khác đồng xác nhận thì dựa báo đó của RSI có thể bỏ qua và không đáng tin.
(Bài viết này còn thiếu hình ảnh minh họa, sẽ được để thêm hình ảnh sau).